27 tháng 7, 2024
USP là gì? Khám phá công thức “bất bại” của mọi doanh nghiệp
Thị trường kinh doanh vốn dĩ là một cuộc chiến khốc liệt. Và sẽ càng khó khăn hơn khi các doanh nghiệp đều đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Tuy vậy, một sản phẩm tốt thôi là chưa đủ. Nó cần có USP (unique selling point) là điểm độc đáo nhất, thể hiện được sự khác biệt đối thủ chưa có hoặc khó có được, Để giúp bạn hiểu rõ hơn USP là gì, hãy cùng Stradex khám phá trong bài viết này nhé!
Tổng thể về USP (unique selling point)
Việc bán một sản phẩm hoặc dịch vụ chỉ là bước thứ 2 trên hành trình tìm kiếm điểm chạm khách hàng. Để đến được bước này, bước đầu tiên bạn cần tạo ra được sản phẩm chất lượng và khai phá điểm khác biệt của nó. Sẽ càng khó khăn hơn nếu như “đứa con” của bạn không có gì “độc nhất”. Đây là lúc USP trở thành phao cứu sinh. Nhưng trước tiên, bạn phải hiểu tổng thể USP.
USP là gì trong Marketing?
USP (Unique Selling Proposition) là lợi thế bán hàng của doanh nghiệp, có thể xem là độc nhất trên thị trường kinh doanh. Đơn giản hơn thì USP sẽ là cái bạn có, nhưng “hàng xóm” thì không. Thông qua USP, bạn có thể xác định và nhấn mạnh sự khác biệt của sản phẩm, dịch vụ mà mình đang kinh doanh.
Một doanh nghiệp sẽ thực sự thu hút khách hàng và trở thành “ông lớn” trên miếng bánh thị phần khi xác định đúng điểm chạm USP. Trong đó, điểm chạm USP sẽ là nút giao giữa cái bạn làm tốt và thứ khách hàng cần. Niềm tin vững chắc của khách hàng cũng sẽ được xây dựng từ đây.
Định nghĩa về USP
Ví dụ USP điển hình của các thương hiệu nổi tiếng
1. Baemin - “Món ngon quận mình”
Khi mới gia nhập thị trường Việt Nam, Baemin phải đối mặt với thách thức lớn: làm sao để tạo dựng được lòng tin và sự yêu thích trong một thị trường đã bão hòa với nhiều lựa chọn giao đồ ăn. Chìa khóa thành công của Baemin là chiến lược "Vết dầu loang". Họ tập trung vào từng khu vực nhỏ, sử dụng khuyến mãi để thu hút người dùng và mở rộng dần ra các khu vực lân cận. Bộ sưu tập "Món ngon quận mình" trên ứng dụng sắp xếp các cửa hàng theo quận từ gần đến xa, giúp người dùng dễ dàng chọn lựa. Chiến dịch quảng cáo với các slogan sáng tạo tại từng quận đã giúp Baemin nhanh chóng trở nên gần gũi và phổ biến trong cộng đồng người Việt.
USP điển hình của Baemin
Yakult - "Tốt cho hệ tiêu hóa"
Ngay từ khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam, Yakult đã tạo ra USP riêng biệt là “tốt cho hệ tiêu hóa” và nhanh chóng tạo được tiếng vang lớn. Nhờ USP này, Yakult đã thu hút được sự tin dùng của đông đảo người tiêu dùng, từ người lớn đến trẻ nhỏ, với phương châm “Khi bị rối loạn tiêu hóa, hãy uống Yakult”. Sự khẳng định về lợi ích cho hệ tiêu hóa đã giúp Yakult trở thành lựa chọn hàng ngày của nhiều gia đình và duy trì được lòng tin của khách hàng cho đến tận ngày hôm nay.
Yakult đã tạo ra USP riêng biệt là “tốt cho hệ tiêu hóa”
VinFast - "VinFast mãnh liệt tinh thần Việt Nam"
VinFast - một thương hiệu xe của tập đoàn VinGroup, là hãng xe hơi đầu tiên tại Việt Nam được sở hữu 100% bởi doanh nghiệp Việt. Với dây chuyền lắp ráp và gia công do chính người Việt sản xuất, VinFast đã khơi gợi và tạo nên niềm tự hào mãnh liệt về thương hiệu ô tô nội địa. Chính vì điều này, VinFast không chỉ là thương hiệu tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mà còn thể hiện tinh thần và niềm tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt.
USP đánh vào tâm lý người Việt của VinFast
Biti's - "Nâng niu bàn chân Việt"
“Nâng niu bàn chân Việt” là một trong những USP thuộc ký ức của nhiều người Việt, lần đầu tiên được biết đến cách đây 20 năm. Đây chính là sứ mệnh mà Biti's hướng đến trong nhiều năm qua, với các sản phẩm luôn có mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu của người dùng qua từng thời kỳ khác nhau. Sản phẩm “giày quốc dân” này êm nhẹ và mang lại sự thoải mái cho người sử dụng. Chính những yếu tố này đã tạo nên một Biti's riêng biệt, bền vững và được người tiêu dùng tin tưởng.
USP giúp Biti's chiến thắng trong tâm trí khách hàng
Nguồn gốc hình thành của Unique Selling Point
Cha đẻ của Unique Selling Point là Rosser Reeves – nhà tiên phong trong quảng cáo truyền hình. Thuật ngữ này xuất hiện từ những năm 1940 và đã nhanh chóng trở thành một công cụ quan trọng trong việc xác định và truyền đạt những yếu tố đặc biệt của sản phẩm hoặc dịch vụ đến với khách hàng.
Thuật ngữ USP ban đầu được hiểu là "Lời hứa bán hàng" (Sales Promise). Hiểu đơn giản thì đây là một cam kết rõ ràng về giá trị mà sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ mang lại cho người tiêu dùng thông qua các chiến dịch quảng cáo.
Thuật ngữ USP do Rosser Reeves – nhà tiên phong trong quảng cáo truyền hình sáng tạo ra từ những năm 1940 và được áp dụng trong các chiến dịch quảng cáo. Ban đầu, USP được hiểu như một “lời hứa bán hàng” (Sales Promise), đại diện cho cam kết của sản phẩm hoặc dịch vụ qua các phương tiện quảng cáo. Rosser Reeves đã giới thiệu USP như một phương pháp để nhấn mạnh những điểm khác biệt nổi bật của sản phẩm, giúp thương hiệu dễ dàng được nhận diện và ghi nhớ bởi khách hàng.
Một ví dụ điển hình về việc ứng dụng USP là trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1952. Đảng Cộng Hòa đã mời Rosser Reeves để thiết kế các quảng cáo cho ứng cử viên Dwight D. Eisenhower. Chiến dịch này thành công trong việc giúp Eisenhower trở thành tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ. Sự thành công đã tạo ra một cú sốc lớn trong ngành quảng cáo, khẳng định USP không đơn thuần chỉ là một công cụ quảng cáo mà còn là một chiến lược quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh thương hiệu và sự khác biệt của sản phẩm hoặc dịch vụ.
Poster quảng cáo cho chính trị gia Dwight D. Eisenhower
Từ đó, USP đã trở thành một thuật ngữ phổ biến và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Sự thành công của USP trong các chiến dịch quảng cáo đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành tiếp thị, khi mà các doanh nghiệp chạy đua trong việc khaimở các yếu tố đặc biệt của sản phẩm trở thành chìa khóa để chinh phục thị trường.
Rosser Reeves - Cha đẻ của USP
Vai trò của USP đối với doanh nghiệp
Theo HubSpot và Forbes, cũng như khảo sát từ CXL, 71% khách hàng ưa chuộng sản phẩm và dịch vụ có đề xuất bán hàng độc nhất (USP). Các doanh nghiệp sở hữu USP rõ ràng có khả năng dẫn đầu thị trường cao hơn 53%. Hơn nữa, 77% người tiêu dùng dựa vào thương hiệu và danh tiếng để đưa ra quyết định mua hàng, cho thấy USP có ảnh hưởng lớn trong việc xây dựng một thương hiệu nổi bật. Không doanh nghiệp nào có thể phủ nhận vai trò của USP, nếu họ không thực sự muốn mình bị “đá văng” ra khỏi cuộc đua chiếm lĩnh trái tim khách hàng. Cụ thể, USP mang lại nhiều vai trò nổi bật sau:
- Khác biệt hóa: USP mạnh giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh bằng cách nhấn mạnh những đặc điểm độc đáo chỉ có ở sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Điều này khiến khách hàng ngay lập tức liên tưởng thương hiệu (brand association) của bạn khi nghĩ về tính năng đặc biệt đó, tăng độ nhận diện thương hiệu.
- Tạo lợi thế cạnh tranh bền vững: Không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh, USP còn giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi sự bắt chước từ đối thủ. Khi USP đáp ứng chính xác những mong muốn của khách hàng mà đối thủ không thể hoặc khó làm tương tự, nó tạo ra một lợi thế cạnh tranh lâu dài và khó bị thay thế.
- Tăng doanh số bán hàng và doanh thu: Một USP mạnh mẽ có thể thúc đẩy doanh số và doanh thu bằng cách thu hút và giữ chân khách hàng, những người đang tìm kiếm một sản phẩm hoặc dịch vụ có lợi ích độc đáo mà chỉ thương hiệu của bạn cung cấp.
- Tạo chỗ đứng riêng cho thương hiệu: USP giúp xây dựng nhận thức thương hiệu bằng cách tạo ra một cộng đồng khách hàng trung thành và khẳng định doanh nghiệp là người dẫn đầu trong lĩnh vực. Điều này làm cho thương hiệu của bạn trở nên đáng nhớ và ấn tượng hơn trong lòng khách hàng.
- Định hướng chiến lược “đường dài”: Việc phát triển USP không phải là một công việc dễ dàng; nó đòi hỏi doanh nghiệp phải trải qua một quá trình nghiên cứu, phân tích và thử nghiệm kỹ lưỡng. Tuy nhiên, quá trình này lại cực kỳ quan trọng vì nó giúp doanh nghiệp xác định được mục tiêu dài hạn và hướng đi chiến lược. Một USP rõ ràng giúp doanh nghiệp tập trung vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với mục tiêu dài hạn, từ đó xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
- Tối ưu hóa chiến dịch Marketing: USP là yếu tố cốt lõi trong các chiến dịch Marketing. Một USP rõ ràng và mạnh mẽ giúp định hình chiến lược Marketing hiệu quả, từ việc xác định mục tiêu quảng cáo cho đến cách thức tiếp cận khách hàng. USP giúp các chiến dịch trở nên đáng nhớ, tạo nên sự kết nối sâu sắc với khách hàng và tối ưu hóa các hoạt động truyền thông, từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể của chiến lược Marketing.
Vai trò của USP đối với doanh nghiệp
3 đặc điểm cần có khi xây dựng USP sản phẩm
Trong cuốn Reality in Advertising, Rosser Reeves đã chỉ rõ rằng một USP thành công và thu hút cần có ba đặc điểm chính:
- Lợi ích rõ ràng: USP nên truyền tải rõ ràng một lợi ích cụ thể mà khách hàng có thể nhận được. Thay vì sử dụng những mô tả mơ hồ, USP cần phải đưa ra một thông điệp đơn giản và dễ hiểu, như: “Khi bạn chọn sản phẩm này, bạn sẽ được hưởng lợi ích này.” Sự rõ ràng giúp khách hàng nhanh chóng nhận diện được giá trị thực sự mà sản phẩm mang lại.
- Độc nhất: USP phải thể hiện một điểm khác biệt nổi bật mà đối thủ không thể sao chép. Điều này có nghĩa là USP của bạn cần phải là yếu tố duy nhất mà không một sản phẩm nào khác có. Sự độc đáo này giúp USP nổi bật hơn trong thị trường cạnh tranh khốc liệt và dễ dàng tạo sự khác biệt so với các sản phẩm cùng phân khúc.
- Có sức thuyết phục: Một USP nếu chỉ được tuyên bố suông thì sẽ không có giá trị đối với người dùng. Thậm chí, nhiều khách hàng sẽ xem đây là “mật ngọt chết ruồi”. Vì vậy, doanh nghiệp cần có cơ sở thực tế hoặc dữ liệu nghiên cứu hỗ trợ. Việc cung cấp bằng chứng rõ ràng và các nghiên cứu chứng minh cho USP giúp tăng cường độ tin cậy và tạo dựng lòng tin nơi khách hàng, từ đó khuyến khích họ chọn sản phẩm của bạn.
3 Đặc điểm khi xây dựng USP
Các bước xác định USP thành công
Mỗi doanh nghiệp sẽ có một phương pháp xác định USP khác nhau. Nhìn chung, không có quy chuẩn nào cho quy trình tìm kiếm lợi thế cạnh tranh này. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo các bước dưới đây để hỗ trợ quá trình diễn ra suôn sẻ hơn:
Thực hiện nghiên cứu thị trường
Để xây dựng một USP hiệu quả, bước đầu tiên là tiến hành nghiên cứu thị trường một cách bài bản và chuyên sâu. Quá trình này bao gồm việc có cái nhìn toàn cảnh về thị trường và phân đoạn nó thành các ngách nhỏ hơn.
Nghiên cứu thị trường là bước đầu để xác định USP
- Nhìn nhận toàn cảnh thị trường: Nghiên cứu thị trường mang đến cái nhìn bao quát về môi trường hoạt động của sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều này bao gồm việc xác định quy mô và sự phát triển của thị trường, cũng như các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài. Sự hiểu biết sâu rộng về các yếu tố này giúp bạn định hình chiến lược kinh doanh chính xác và hiệu quả hơn.
- Phân đoạn thị trường: Để xây dựng một USP chính xác, việc phân chia thị trường thành các phân khúc cụ thể là rất quan trọng. Bạn cần nắm rõ nhu cầu, mong muốn và thói quen của từng nhóm khách hàng để có thể phát triển một USP phù hợp với từng phân khúc. Sự hiểu biết về các nhóm khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn xác định những đặc điểm nổi bật của sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp.
Bạn có thể sử dụng các phương pháp nghiên cứu thị trường như khảo sát, phỏng vấn, và phân tích dữ liệu để thu thập thông tin chính xác và đa chiều. Phân tích các dữ liệu này giúp bạn phát hiện cơ hội mới và nhận diện những thách thức tiềm tàng trong thị trường, từ đó xây dựng một USP mạnh mẽ và khác biệt.
Theo dõi, phân tích đối thủ cạnh tranh
Cuộc chiến Marketing giữa các đối thủ trên thị trường vô cùng gay gắt. Việc thiết lập, phát triển và duy trì thị phần cho sản phẩm và dịch vụ là một thách thức lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng, đối thủ cạnh tranh chính là mảnh đất màu mỡ để bạn khai thác và kiếm tìm hướng đi cho doanh nghiệp của mình.
-
Truy tìm cơ hội: Phân tích đối thủ cạnh tranh không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về vị thế của mình trên thị trường mà còn giúp bạn nhận diện những cơ hội để tạo sự khác biệt. Thay vì chỉ đơn thuần sao chép những gì đối thủ đang làm tốt, bạn nên học hỏi và biến những điểm mạnh của họ thành động lực để phát triển USP của riêng mình. Đồng thời, hãy chú ý đến những khoảng trống trong chiến lược của họ để tìm ra cách tối ưu hóa sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, nhằm khai thác những cơ hội mà đối thủ đã bỏ lỡ.
-
Định vị sự khác biệt: Qua việc đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ, bạn có thể xác định rõ ràng USP cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Hãy chú ý đến cách đối thủ tiếp cận khách hàng và tận dụng thông tin đó để phát triển một chiến lược tiếp thị khác biệt và hiệu quả hơn.
Phân tích đối thủ giúp doanh nghiệp định vị sự khác biệt
Thấu hiểu insight và pain point của khách hàng
Để xác định USP của sản phẩm, việc hiểu rõ khách hàng mục tiêu là một bước quan trọng. Bạn cần tập trung vào việc tìm hiểu và nghiên cứu nhóm đối tượng này để xây dựng một USP hiệu quả.
Xác định chân dung khách hàng: Để hiểu sâu về khách hàng, bạn cần xác định rõ chân dung khách hàng mục tiêu, bao gồm hành vi tiêu dùng, tâm lý, và nhu cầu của họ. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được những gì khách hàng quan tâm và tìm ra điểm mạnh của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thể đáp ứng những nhu cầu đó.
Insight và pain point: Insight là những sự thật ngầm hiểu về khách hàng, trong khi pain point là những vấn đề hoặc nỗi đau mà khách hàng gặp phải. Việc nắm bắt được insight giúp bạn hiểu rõ hơn về động lực và mong muốn của khách hàng. Đồng thời, nhận diện pain point cho phép bạn phát triển USP tập trung vào việc giải quyết những vấn đề cụ thể mà khách hàng đang đối mặt.
Xác định được điểm mạnh cốt lõi, độc đáo
Bước tiếp theo, bạn cần tập trung vào việc xác định điểm mạnh cốt lõi và độc đáo của sản phẩm hoặc dịch vụ. Để bắt đầu, doanh nghiệp cần phải liệt kê tất cả các tính năng và lợi ích của sản phẩm, sau đó phân tích để tìm ra những đặc điểm chỉ sản phẩm của bạn mới có thể cung cấp.
Điểm cốt lõi là chìa khóa thành công của một USP
Sử dụng thông tin từ nghiên cứu thị trường, nhu cầu khách hàng và phân tích đối thủ, bạn cần xác định những yếu tố độc đáo mà sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn mang lại. Điều này có nghĩa là điểm mạnh của bạn phải phản ánh sự khác biệt rõ rệt so với các đối thủ cạnh tranh, tạo ra giá trị đáng kể cho khách hàng.
Ví dụ, nếu cửa hàng quần áo của bạn cung cấp dịch vụ cho thuê đầm dạ hội, đây chính là USP của bạn. Dịch vụ này giúp khách hàng tiết kiệm chi phí mà vẫn có trang phục mới để dự tiệc, điều mà các cửa hàng khác có thể không cung cấp. Tìm ra và nhấn mạnh những điểm mạnh độc đáo này sẽ giúp sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn nổi bật và thu hút khách hàng hơn.
Giữ gìn và phát triển USP
Doanh nghiệp không nên thay đổi điểm bán hàng độc nhất (USP) quá thường xuyên, nhưng việc đảm bảo rằng USP luôn mới mẻ và độc đáo là rất quan trọng. Chú ý sự thay đổi trong xu hướng thị trường và của đối thủ cạnh tranh có thể ảnh hưởng đến cách khách hàng nhìn nhận USP, khiến nó kém hiệu quả hoặc ít thu hút hơn.
Để duy trì USP hiệu quả, doanh nghiệp cần thực hiện các hành động cụ thể sau:
- Theo dõi sự thay đổi của thị trường và đối thủ: Việc này giúp hiểu rõ bối cảnh hiện tại và nhận diện yếu tố mới có thể ảnh hưởng đến USP của mình.
- Lắng nghe khách hàng: Hãy chú ý đến những nhận xét của khách hàng về cách họ nhìn nhận USP của bạn và cách cải thiện nó. Những ý kiến này là nguồn thông tin quý giá giúp bạn cải thiệnvà nâng cao USP một cách vượt bậc nhất.
- Đánh giá lại USP: Xem xét lại USP của bạn trong bối cảnh thay đổi đó còn giữ được sự độc đáo và sức thu hút hay đã bị thay đổi ý nghĩa. Nếu cần thiết, hãy sẵn sàng cải tiến USP để nó phù hợp hơn với nhu cầu và mong đợi của khách hàng mục tiêu.
Quy trình xác định USP
Làm thế nào để truyền tải USP một cách hiệu quả?
Để truyền tải USP của bạn một cách hiệu quả, hãy tập trung vào các phương pháp sau:
- Tận dụng các chiến dịch Marketing: Sử dụng USP trong các chiến dịch quảng cáo truyền thống và trực tuyến để làm nổi bật sự khác biệt của sản phẩm. Đảm bảo USP được truyền tải rõ ràng và nhất quán qua tất cả các kênh quảng cáo.
- Tích hợp USP vào nội dung quảng cáo, bài viết và thông điệp truyền thông. Khi viết content chạy quảng cáo, hãy đảm bảo USP được nêu rõ ràng để khách hàng dễ dàng nhận diện và ghi nhớ.
- Truyền thông nội bộ: Đảm bảo rằng tất cả nhân viên đều hiểu rõ USP của công ty và có khả năng truyền đạt thông tin này đến khách hàng. Đào tạo nhân viên hiểu về USP giúp tạo sự đồng nhất trong cách thức giao tiếp và quảng bá. Hơn hết, nhân viên là một trong những công cụ Marketing hữu hiệu nhất mà đại đa số các doanh nghiệp chưa biết cách tận dụng hết.
- Mạng xã hội và Truyền thông kỹ thuật số: Tận dụng mạng xã hội và các nền tảng số để quảng bá USP. Sử dụng các chiến lược như hợp tác với KOL/KOC, tối ưu hóa SEO và tạo nội dung hấp dẫn để USP của bạn được hiện diện rõ ràng và nổi bật trên các công cụ tìm kiếm và trang mạng xã hội.
Phương pháp truyền tải USP
FAQ - Các câu hỏi thường gặp về USP
1. Điểm khác biệt giữa USP và POD?
USP là những đặc điểm, giá trị độc đáo mà doanh nghiệp cung cấp như giá thấp nhất, chất lượng tốt nhất, hoặc sản phẩm tiên phong, giúp thu hút khách hàng và định vị thương hiệu.
POD là yếu tố tạo nên sự khác biệt của sản phẩm/dịch vụ so với đối thủ, có thể là đặc điểm tích cực độc đáo hoặc điểm yếu của đối thủ mà bạn không có.
2. Phân biệt giữa Unique Selling Point và Value Proposition
Value Proposition là mô tả chi tiết về lợi ích mà sản phẩm/dịch vụ mang lại, giải thích rõ ràng công việc mà nó thực hiện và lý do khách hàng nên chọn. USP (Unique Selling Point) là yếu tố đặc biệt và duy nhất của sản phẩm hoặc dịch vụ, giúp nó nổi bật so với đối thủ. USP nhấn mạnh những điểm khác biệt không thể sao chép, tạo nên sự khác biệt rõ ràng và đặc trưng riêng biệt. Hiểu đơn giản thì Value Proposition có thể chia sẻ được với công ty khác, nhưng USP thì không.
3. Lưu ý khi phát triển USP mạnh mẽ, hiệu quả
- Độc đáo nhưng thực tế: Sản phẩm, dịch vụ của bạn phải độc nhất, nhưng không cần độc dị. Mục tiêu càng thực tế thì kết quả càng khả thi
- Lấy khách hàng làm trung tâm: USP nên được xây dựng dựa trên nhu cầu và mong muốn thực sự của khách hàng mục tiêu.
- USP cần dễ hiểu, dễ nhớ: Một USP dễ nhớ và dễ truyền đạt giúp tạo ấn tượng lâu dài và hiệu quả hơn trong tâm trí khách hàng.
- Thường xuyên đánh giá và phát triển usp
Kết luận
USP (unique selling point) cần được đánh giá và cập nhật thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, xu hướng thị trường, và hoạt động của đối thủ. Như vậy, Stradex đã cùng bạn tìm hiểu những thông tin xoay quanh USP là gì, cũng như cách xác định và ảnh hưởng của nó. Nếu như bạn vẫn đang loay hoay tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường, hãy thử nghiên cứu và định vị USP của mình để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Theo dõi Stradex Blog để cập nhật những thông tin, kiến thức hữu ích về Marketing.