20 tháng 3, 2024
Bỏ túi ngay: Top 10+ Câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh
Nhân viên kinh doanh hay Nhân viên phát triển kinh doanh - Business Development là nghề được nhiều bạn trẻ theo đuổi bởi thu nhập hấp dẫn, cùng cơ hội thăng tiến cao. Tuy nhiên, yêu cầu tuyển dụng nghề Sale cũng khá cao, đòi hỏi ứng viên cần chuẩn bị kỹ càng. Vì vậy, để dễ ghi điểm với nhà tuyển dụng, bạn hãy tham khảo 23 câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh mà Stradex giới thiệu ngay sau đây nhé!
Những câu hỏi khi phỏng vấn nhân viên kinh doanh thường gặp
Câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh - Business Development: Nhóm câu hỏi tình huống
Phần đầu tiên của bài viết này sẽ giới thiệu các câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh - Business Development liên quan đến tình huống thường gặp trong quá trình làm việc.
1. Đội nhóm của bạn có mâu thuẫn ảnh hưởng đến công việc. Bạn sẽ đưa ra giải pháp như thế nào?
Gợi ý câu trả lời:
Khi làm việc trong đội nhóm, việc xảy ra mâu thuẫn, xích mích là điều không thể tránh khỏi. Với tư cách là một thành viên trong nhóm, tôi cần xem xét, nhìn nhận lại vấn đề một cách khách quan. Nên tổ chức một cuộc họp / buổi trao đổi cởi mở, lắng nghe từng thành viên. Xác định nguyên nhân gốc rễ của mâu thuẫn và cùng nhau đưa ra phương án giải quyết phù hợp. Tránh thực hiện các hành vi tiêu cực như lăng mạ, chỉ điểm thẳng mặt, nói xấu đồng nghiệp,...
2. Khi nhân sự của bạn có mâu thuẫn với khách hàng thì bạn sẽ làm gì?
Gợi ý câu trả lời:
Ai làm nghề kinh doanh, bán hàng cũng đều có đôi lần bị khách hàng phàn nàn, khiếu nại. Tuy nhiên, nhiều nhân viên lại tỏ ra căng thẳng quá mức, trốn tránh trách nhiệm khiến hai bên xảy ra mâu thuẫn. Lúc này, tôi cần thay mặt nhân viên, bình tĩnh đứng ra nói chuyện với khách hàng một cách nhẹ nhàng để xoa dịu cảm xúc. Sau đó cùng họ tìm ra hướng giải quyết vấn đề sao cho thỏa đáng với cả hai bên. Tôi ưu tiên giải quyết mâu thuẫn một cách chuyên nghiệp, giữ thái độ tôn trọng khách hàng và bảo vệ lợi ích của công ty
3. Trong quá trình triển khai kế hoạch kinh doanh, nhân sự đột ngột nghỉ hoặc ốm thì bạn sẽ xử lý như thế nào?
Gợi ý câu trả lời:
Việc nhân sự đột ngột nghỉ hoặc ốm trong quá trình triển khai kế hoạch kinh doanh sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ chung của dự án. Lúc này, tôi cần đánh giá mức độ ảnh hưởng bằng cách xác định vai trò, khối lượng công việc của nhân viên đó. Đồng thời phân công nhân sự thay thế hoặc tìm kiếm các giải pháp tạm thời để đảm bảo tiến độ dự án.
Nếu sự vắng mặt của nhân sự có ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh thì cần xem xét đến phương án thuê nhân viên thời vụ hoặc dịch vụ thuê ngoài để giải quyết.
Phân công người thay thế hoặc tìm kiếm giải pháp tạm thời khi có nhân sự nghỉ đột xuất
4. Giả sử doanh nghiệp bị đối thủ chơi xấu, ảnh hưởng đến uy tín. Bạn sẽ làm gì?
Gợi ý câu trả lời:
Với chức vụ là nhân viên kinh doanh, tôi cần thực hiện các giải pháp để giữ chân khách hàng và bảo vệ uy tín cho doanh nghiệp. Đầu tiên, tôi cần thu thập thông tin và mức độ ảnh hưởng mà hành vi chơi xấu của đối thủ gây ra. Sau đó báo cáo ngay với cấp trên để đưa ra phương án xử lý kịp thời. Đồng thời cũng cần giải thích rõ với khách hàng và nhấn mạnh sự uy tín của doanh nghiệp.
5. Nếu được đặt 2 câu hỏi cho khách hàng, bạn sẽ hỏi gì để xác định họ có phải khách hàng tiềm năng không?
Tùy vào từng tình huống và sản phẩm cụ thể mà nhân viên kinh doanh lựa chọn câu hỏi phù hợp để xác định một khách hàng nào đó có thực sự tiềm năng hay không.
Gợi ý câu trả lời:
- Bạn đang gặp phải vấn đề gì liên quan đến [sản phẩm/dịch vụ] không?: Hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và xác định xem sản phẩm/dịch vụ của công ty có thể giải quyết vấn đề hay không.
- Mức ngân sách và kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề này của bạn là gì?: Xác định khả năng chi trả của khách hàng và mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
6. Trong 3 phút, hãy tưởng tôi là khách hàng tiềm năng của bạn và bán cho tôi một vật dụng này.
Gợi ý câu trả lời:
Ví dụ, nhà tuyển dụng muốn ứng viên bán cho họ một cây bút. Bạn có thể trả lời như sau:
Ngay cả khi mọi người đều tập trung vào các sản phẩm công nghệ như hiện nay thì những cây bút vẫn là thứ rất cần thiết với chúng ta. Đặc biệt, cây bút mà tôi đang cầm trên tay có thiết kế trông tinh tế, hiện đại nhưng giá thành rất phải chăng. Đặc biệt là còn có nắp an toàn để nó không khiến chiếc túi bị bẩn. Tại sao anh/chị không thử một lần trải nghiệm cây bút này nhỉ?
Nhân viên kinh doanh cần biết cách thuyết phục khách hàng mua sản phẩm
7. Nếu doanh nghiệp đầu tư cho bạn thực hiện một kế hoạch kinh doanh khoảng 15 tỷ, bạn có thể thu về 30 tỷ không?
Gợi ý câu trả lời:
Việc thu về 30 tỷ từ khoản đầu tư 15 tỷ có thực hiện được hay không sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện thị trường, loại hình kinh doanh, nguồn lực của doanh nghiệp, khả năng quản lý rủi ro,... Vì vậy, tôi cần nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng các yếu tố để đảm bảo đây là một dự án khả thi.
Nếu dự án có khả năng thực hiện và được cấp trên phê duyệt, tôi sẽ bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch một cách kỹ lưỡng, bao gồm nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch, phân công nhân sự có năng lực và kinh nghiệm, quản lý rủi ro, đánh giá kết quả.
Xem thêm: Hướng dẫn cách viết CV Nhân viên Kinh Doanh chuyên nghiệp
Các câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh: Nhóm câu hỏi chuyên môn
Trong buổi phỏng vấn chắc chắn sẽ có những câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh liên quan đến chuyên môn. Sau đây là 7 câu hỏi thường gặp và cách trả lời phỏng vấn nhân viên kinh doanh mà bạn có thể tham khảo.
8. Theo bạn điều gì quan trọng nhất khi xây dựng kế hoạch kinh doanh?
Gợi ý câu trả lời:
Theo tôi, điều quan trọng nhất khi xây dựng kế hoạch kinh doanh đó chính là tính khả thi. Tính khả thi này sẽ thể hiện ở chỗ kế hoạch kinh doanh có được xây dựng dựa trên tình hình thị trường thực tế, nguồn lực của doanh nghiệp. Kế hoạch phải có dự phòng rủi ro hợp lý để có thể ứng phó với sự cố phát sinh.
9. Những thành tựu mà bạn đã đạt được là gì? Hãy chia sẻ về cách triển khai dự án thành công nhất của bạn?
Gợi ý câu trả lời:
Một trong những dự án thành công nhất của tôi khi làm nhân viên kinh doanh bất động sản phải kể đến dự án Eco Green Quận 7. Dựa trên những kinh nghiệm của bản thân, tôi đã tiến hành nghiên cứu thị trường, đối thủ và phân khúc khách hàng để tìm kiếm hướng tiếp cận phù hợp. Đồng thời phân tích những ưu, nhược điểm của dự án, lấy đó làm trọng tâm để thuyết phục khách hàng.
Sau khi đã xác định cơ hội kinh doanh, tôi bắt đầu tiếp cận khách hàng qua email, số điện thoại, triển khai chiến lược quảng cáo trên Google, Facebook, Zalo. Tôi thu hút, thuyết phục khách hàng bằng chất lượng và giá cả phù hợp của dự án, những lời kêu gọi hành động, khuyến mãi hấp dẫn. Kết quả là tôi đã tiếp cận được rất nhiều khách hàng tiềm năng mới sau 1 tháng triển khai, tỷ lệ chốt deal thành công là 20%.
Chia sẻ thành tựu nổi bật của bản thân một cách chân thực, khiêm tốn
10. Mức độ thành thạo của bạn khi sử dụng phần mềm CRM?
Gợi ý câu trả lời:
Ở công ty trước, tôi đã sử dụng phần mềm CRM để hỗ trợ cho công việc của mình. Cụ thể, tôi dùng phần mềm CRM để tự động hóa nhiều thao tác như nhập liệu, tạo giao dịch, cuộc gọi, gửi email,... Nhờ vậy mà tôi có thể tiết kiệm thời gian để tập trung vào các công việc quan trọng hơn như tư vấn khách hàng, chốt deal.
Trong trường hợp chưa từng sử dụng phần mềm CRM thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Hãy trả lời thành thật và thể hiện rằng bản thân sẽ cố gắng tìm hiểu cách sử dụng phần mềm. Các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên có tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi để nâng cao hiệu quả công việc.
11. Bạn dùng cách thức nào để xác định một thị trường mới. Và để phát triển sản phẩm ở thị trường mới, yếu tố nào là quan trọng nhất?
Gợi ý câu trả lời:
Khi muốn xác định một thị trường mới, tôi có thể dùng nhiều cách như xác định thị trường dựa trên địa lý, nhân khẩu học, tâm lý khách hàng, hành vi người tiêu dùng,... Và để có thể phát triển sản phẩm trên thị trường mới, tôi sẽ cần lưu ý đến khả năng mở rộng quy mô, chất lượng sản phẩm, giá bán, thời điểm ra mắt,...
Theo tôi, để có thể thành công thì yếu tố quan trọng nhất đó là sự phù hợp. Sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng cạnh tranh, năng lực của doanh nghiệp, giá bán phù hợp với đối tượng khách hàng,...
12. Bạn thường tiếp cận khách hàng như thế nào?
Gợi ý câu trả lời:
Ngoài kỹ năng tư vấn tốt, nhân viên kinh doanh còn phải biết cách tiếp cận khách hàng sao cho hiệu quả. Một số biện pháp tiếp cận khách hàng mà tôi thường dùng như tận dụng các mối quan hệ bạn bè, người thân, liên kết với khách hàng cũ, tham dự các buổi hội thảo chuyên ngành,....
Có nhiều phương pháp để tiếp cận khách hàng tiềm năng
13. Làm cách nào mà bạn giữ được liên lạc với khách hàng?
Gợi ý câu trả lời:
Để có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và giữ liên lạc với khách hàng, tôi thường xuyên theo dõi hành trải nghiệm của họ để kịp thời tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc. Tôi cũng cố gắng giữ liên lạc với khách hàng bằng cách nhắn tin cung cấp thông tin về chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn hoặc tặng quà vào dịp sinh nhật của khách hàng,...
14. Cách làm việc giữa khách hàng và đối tác có khác nhau không?
Gợi ý câu trả lời:
Trong kinh doanh, khách hàng là người trả tiền để nhận được sản phẩm, dịch vụ từ người bán. Trong khi đó, đối tác sẽ không trả tiền cho việc đó, họ sẽ dùng nguồn lực của mình để hợp tác cùng doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu chung. Vì vậy, cách làm việc với khách hàng và đối tác sẽ có sự khác nhau.
Bộ câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh: Nhóm câu hỏi hành vi
Phần tiếp theo của bài viết sẽ là bảng câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh để đánh giá hành vi, thái độ làm việc của ứng viên.
15. Bạn đã bao giờ gặp tình trạng bị “cướp khách’” từ đối thủ chưa?
Gợi ý câu trả lời:
Môi trường kinh doanh luôn cạnh tranh, việc bị mất khách là điều khó tránh khỏi. Tôi cũng từng bị đối thủ đánh cắp thông tin của những khách hàng bình luận số điện thoại, địa chỉ trong bài đăng trên Fanpage. Cách xử lý của tôi là ẩn bình luận đặt hàng có chứa email, số điện thoại, đưa ra giá trị độc quyền cho khách hàng mà đối thủ không có,...
16. Hãy mô tả khách hàng khó tính nhất mà bạn từng gặp
Gợi ý câu trả lời:
Với tôi, kiểu khách hàng khó tính đó là những khách hàng luôn muốn công ty phải giải quyết mọi vấn đề ngay lập tức dù lúc đó đã quá thời gian làm việc. Họ tỏ ra tức giận, thậm chí là chửi mắng vì chúng tôi không thể phục vụ họ ngay.
Khi gặp những khách hàng như này, tôi sẽ cần giải thích rõ với họ về chính sách hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của công ty. Nếu vấn đề thực sự cấp bách, công ty có thể hỗ trợ ngoài giờ nhưng sẽ cần thỏa thuận báo giá. Nếu vấn đề không cần giải quyết ngay thì sẽ thỏa thuận với khách hàng về thời gian xử lý phù hợp. Ngoài ra, tôi cũng có thể cung cấp thông tin liên lạc của mình để họ có thể liên hệ khi cần thiết.
Nhân viên kinh doanh giỏi sẽ biết cách chinh phục khách hàng khó tính
17. Nếu tháng này không đạt doanh thu hoặc bị khách hàng phàn nàn, bạn sẽ làm gì?
Gợi ý câu trả lời:
Nếu trong tháng này, doanh thu của tôi mang về cho công ty không đạt chỉ tiêu thì tôi cần kiểm điểm lại bản thân và đặt ra chỉ tiêu cao hơn để bù lại mức doanh thu còn thiếu. Đồng thời đưa ra các giải pháp để khắc phục điểm yếu của bản thân, nâng cao thành tích.
Còn về vấn đề khách hàng thường xuyên phàn nàn, cách mà tôi xử lý đó là kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của họ để tìm ra nguyên nhân khiến họ không hài lòng. Nếu lỗi xuất phát từ tôi thì tôi sẽ chịu trách nhiệm và xin lỗi. Còn nếu lỗi xuất phát từ việc hai bên chưa hiểu rõ nhau thì tôi sẽ cố gắng giải thích với khách hàng và tìm ra cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất.
17. Bạn đã bao giờ từ bỏ một thỏa thuận hay chưa?
Gợi ý câu trả lời:
Mặc dù công việc của nhân viên kinh doanh là giới thiệu và thuyết phục khách hàng mua hàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng phải cố tìm mọi cách để khiến khách hàng đồng ý mua sản phẩm. Trong một số trường hợp, tôi sẽ phải ngừng theo đuổi khách hàng nếu họ không có nhu cầu hoặc sản phẩm không thể đáp ứng yêu cầu của họ để tập trung vào những khách hàng tiềm năng hơn.
18. Hãy kể về bài học đắt giá của bạn trong quá trình làm việc
Gợi ý câu trả lời:
Sau một thời gian cố gắng theo đuổi khá dài thì tôi cũng kết nối được với một khách hàng lớn và sắp xếp buổi gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, tôi đã chủ quan khi không nghiên cứu thông tin của khách hàng một cách cặn kẽ trước khi gặp mặt. Vì vậy mà phần lớn thời gian của buổi họp chỉ để tìm hiểu về công ty, nhu cầu của khách hàng, thay vì trình bày những giải pháp mà chúng tôi có thể mang đến cho họ.
Và tất nhiên, kết quả là tôi không thể chốt deal thành công, mọi nỗ lực trước đó trở thành vô nghĩa. Bù lại là tôi đã rút ra cho mình một bài học đắt giá: Hãy đầu tư thời gian để tìm hiểu về khách hàng trước khi gặp mặt, dù là những điều nhỏ nhặt nhất. Nó sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu hơn, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Không nên chủ quan trong việc nghiên cứu khách hàng kỹ lưỡng trước khi gặp mặt trực tiếp
19. Bạn đã bao giờ đào tạo nhân viên cấp dưới chưa? Nếu có, bạn đã đào tạo những gì và đào tạo như thế nào?
Gợi ý câu trả lời:
Tôi từng được cấp trên giao nhiệm vụ đào tạo nhân viên kinh doanh mới của công ty. Những nội dung mà tôi đã đào tạo cho nhân viên mới bao gồm văn hóa công ty, kiến thức về sản phẩm, quy trình làm việc, bán hàng, giới thiệu một số công cụ hỗ trợ công việc,... Nếu là nhân viên chưa có kinh nghiệm thì tôi sẽ cần đào tạo thêm về kỹ năng cứng và kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, đàm phán, quản lý thời gian,...
Về phương pháp đào tạo, tôi sẽ kết hợp cả đào tạo lý thuyết (sử dụng tài liệu, slide, video hoặc thảo luận trực tiếp) và đào tạo thực hành (cho nhân viên tham gia tư vấn, bán hàng thực tế, tổ chức các buổi role-play để luyện tập kỹ năng,...). Sau đó, tôi sẽ đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức, kỹ năng của nhân viên mới và đề xuất cải thiện cho họ nếu cần.
20. Đồng nghiệp của bạn sẽ mô tả bạn như thế nào?
Gợi ý câu trả lời:
Tôi đã nhận được những nhận xét tích cực từ đồng nghiệp về cách làm việc của mình. Những tính từ mà họ thường sử dụng để mô tả về tôi là chuyên nghiệp, nhiệt tình và ham học hỏi. Tôi luôn cố gắng để tìm ra các giải pháp tối ưu hiệu quả công việc, cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ mọi người để cả team cùng phát triển.
Chia sẻ những nhận xét của đồng nghiệp về tính cách tốt, phù hợp với công việc kinh doanh của bạn
21. Bạn làm cách nào để luôn vui vẻ, nhiệt tình với khách hàng?
Gợi ý câu trả lời:
Trong quá trình làm việc với khách hàng, tôi có thể phải đối mặt với nhiều tình huống khó xử, không thể dự đoán trước. Thế nên, tôi cần phải giữ cho bản thân luôn bình tĩnh và nhanh chóng đưa ra phương án giải quyết vấn đề vẹn cả đôi đường. Bên cạnh đó, giữ năng lượng tốt khi làm việc cũng là cách để tôi luôn vui vẻ, nhiệt tình với khách hàng.
22. Bạn đã tìm hiểu qua về sản phẩm của chúng tôi chưa? Nếu rồi hãy nêu một vài đánh giá về tiềm năng của sản phẩm/tệp khách hàng?
Gợi ý câu trả lời:
Trước khi tham gia buổi phỏng vấn này, tôi đã dành thời gian để tìm hiểu về các phần mềm quản lý doanh nghiệp mà công ty đang kinh doanh. Theo đánh giá của cá nhân tôi thì các sản phẩm của công ty có giao diện thân thiện, tích hợp nhiều tính năng hữu ích cho doanh nghiệp. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là phần mềm kế toán ABC.
Phần mềm ABC được tính hợp các tính năng hỗ trợ lập báo cáo tài chính, quyết toán thuế, quản lý công nợ,... cực kỳ chi tiết, chính xác. Đây chắc chắn sẽ là phần mềm có nhiều tiềm năng cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán. Tôi cũng từng có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại công ty phần mềm X. Hy vọng tới đây, tôi sẽ có cơ hội bán sản phẩm này với tư cách là Nhân viên kinh doanh của công ty.
Nhà tuyển dụng thường sử dụng các câu hỏi tuyển dụng nhân viên kinh doanh liên quan đến công ty để đánh giá thái độ ứng viên
23. Bạn thường cập nhật thông tin về xu hướng thị trường và đối thủ cạnh tranh như thế nào?
Gợi ý câu trả lời:
Tôi thường cập nhật thông tin xu hướng thị trường, đối thủ cạnh tranh bằng nhiều cách khác nhau như tự nghiên cứu thị trường, đọc các báo cáo, ấn phẩm về thị trường, tham gia các khóa học, hội thảo, theo dõi đối thủ qua website, báo chí,....
Kinh nghiệm phỏng vấn Business Development
Ngoài việc tìm hiểu các câu hỏi khi phỏng vấn nhân viên kinh doanh, bạn cũng nên tích lũy một số kinh nghiệm sau đây để buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ hơn:
- Mặc trang phục phù hợp: Hãy thể hiện sự chuyên nghiệp bằng cách chuẩn bị kỹ lưỡng trang phục, tóc tai và các vật dụng cần thiết cho buổi phỏng vấn.
- Chuẩn bị về kiến thức: Tra cứu thông tin và chuẩn bị kiến thức tổng quan về công việc của nhân viên kinh doanh, cũng như thông tin về sản phẩm, công ty muốn ứng tuyển.
- Chú ý đến cử chỉ cơ thể: Ngồi thẳng, duy trì giao tiếp mắt và tránh các cử chỉ quá mức.
- Chú ý đến tiếng nói và giọng điệu: Nói chậm, rõ ràng, tránh nói quá nhanh hay sử dụng từ ngữ khó hiểu, giọng điệu cũng nên được điều chỉnh theo từng tình huống và nội dung câu hỏi.
- Không nên quá lo lắng: Tập trung vào những gì bản thân muốn trình bày và tự tin khi trả lời câu hỏi, không nên quá lo lắng khiến bạn không thể phô diễn hết khả năng của mình.
- Đặt câu hỏi: Nên đặt từ một đến hai câu hỏi cho nhà tuyển dụng để thể hiện rằng bạn hứng thú với vị trí này.
Cần có tác phong chuyên nghiệp, trang phục chỉn chu khi đi phỏng vấn
Kết luận
Hy vọng với bộ câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh mà Stradex chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích trước khi đi phỏng vấn. Hiện tại, Stradex cũng đang tuyển dụng vị trí này với mức lương và hoa hồng hấp dẫn. Nếu muốn trở thành một nhân viên kinh doanh kỳ cựu tại Stradex, bạn hãy nhanh tay gửi CV ứng tuyển ngay nhé!
Xem thêm các vị trí Stradex đang tuyển dụng tại đây: https://stradexvietnam.com/tuyen-dung