vi
en
menu

9 tháng 9, 2024

Mô Hình Swot Là Gì? Mẹo Phân Tích Mô Hình Ma Trận Swot

Digital Marketing

Tìm hiểu mô hình SWOT là gì và cách phân tích ma trận SWOT hiệu quả. Áp dụng mẹo phân tích SWOT giúp đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp.

Là một trong những mô hình được rất nhiều các chuyên gia trong ngành Marketing quan tâm và lựa chọn để triển khai dự án của mình. Mô hình Swot hiện nay đã và đang là một trong những mô hình marketing phổ biến có tỷ lệ người chọn là cực kỳ cao. Vậy đâu là lý do mà mô hình này lại có sức hút như vậy và cách triển khai mô hình Swot trong marketing là như thế nào để có hiệu quả nhất, hãy cùng tìm hiểu ngay bên dưới đây nhé.

SWOT là gì?

Trước tiên chúng ta hãy cùng nhau xem khái niệm về mô hình swot là gì ngay dưới đây nhé. Theo khái niệm trên các trang web uy tín trong lĩnh vực marketing, mô hình SWOT là viết tắt của Strengths,  Weaknesses,  Opportunities,  Threats. Đây là một mô hình phân tích kinh doanh phổ biến được sử dụng để đánh giá vị thế cạnh tranh của công ty, phát triển các chiến lược hoạt động và đưa ra các quyết định phù hợp.

Chúng ta có thể hiểu về tên của các thành phần trong mô hình SWOT như sau:

Strengths (điểm mạnh) và Weaknesses (điểm yếu) trong mô hình SWOT đại diện cho các yếu tố ở trong nội bộ của doanh nghiệp. Các yếu tố này có thể thay đổi, cải thiện và kiểm soát. Do đó, chúng thường liên quan tới tài sản thuộc về doanh nghiệp, các chính sách kinh doanh, phát triển sản phẩm. Tương tự, Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) là những yếu tố tác động bên ngoài thường mang tính vĩ mô và liên quan tới thị trường. Doanh nghiệp không thể kiểm soát được 2 yếu tố này. Nhưng dựa vào chúng, họ có thể nắm bắt nhiều cơ hội và đề phòng trước những thách thức có thể xảy ra.

Thông qua mô hình SWOT, doanh nghiệp sẽ có cái nhìn khách quan hơn về các mục tiêu hoạt động và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chúng. Nhờ đó đưa ra chiến lược phù hợp nhằm cải thiện doanh thu bán hàng.

Ý nghĩa của việc sử dụng mô hình SWOT

Mô hình SWOT đóng vai trò quan trọng trong quản lý và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Nó không chỉ giúp họ có cái nhìn khách quan hơn về những điểm mạnh, điểm yếu mà còn mang nhiều ý nghĩa khác. Cụ thể như:

  • Đưa ra đánh giá tổng quan: SWOT giúp bạn có cái nhìn toàn diện về tình hình hiện tại của một doanh nghiệp, bao gồm cả các yếu tố nội tại (điểm mạnh, điểm yếu) và các yếu tố ngoại tại (cơ hội, thách thức).

  • Xác định các yếu tố cần ưu tiên: Bằng cách phân tích SWOT, bạn có thể xác định các yếu tố quan trọng và những điểm mạnh mà doanh nghiệp cần tập trung. Đây là những yếu tố cần tập trung phát triển để giữ vững vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

  • Đánh giá rủi ro: SWOT giúp bạn nhận biết các rủi ro tiềm ẩn của thị trường và lên kế hoạch đối phó với chúng.

  • Lập kế hoạch kinh doanh: SWOT là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch kinh doanh giúp tận dụng sức mạnh và cơ hội, đối phó với điểm yếu và rủi ro nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.

Theo dõi, đánh giá và cải thiện hiệu suất: Bằng cách thường xuyên phân tích SWOT, bạn có thể theo dõi tiến độ, đo lường tiến trình phát triển và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.

Ý nghĩa mô hình SWOT

Phân tích SWOT là gì?

Phân tích mô hình SWOT (SWOT Analysis) là một phương pháp phân tích chiến lược quan trọng trong việc quản lý kinh doanh và lập kế hoạch chiến lược. Dựa vào yếu tố nội bộ (Strengths - Weaknesses) và yếu tố bên ngoài (Opportunities - Threats) mà doanh nghiệp có thể đánh giá kế hoạch kinh doanh và đưa ra quyết định cụ thể.

  • Điểm mạnh (Strengths): Đây là những đặc điểm vượt trội, sự độc đáo, khác biệt giữa doanh nghiệp của bạn so với đối thủ. Chẳng hạn như chất lượng sản phẩm, công nghệ hiện đại, danh tiếng thương hiệu,... 

  • Điểm yếu (Weaknesses): Đây là những yếu tố cản trở doanh nghiệp hoạt động một cách tối ưu nhất. Do vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng xem xét và cải thiện các yếu tố này để đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.

  • Cơ hội (Opportunities): Đây là những yếu tố thị trường có khả năng ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chẳng hạn như sự tăng lên của nhu cầu tiêu dùng, sự phát triển của thương mại điện tử,...

  • Thách thức (Threats): Đây là những yếu tố từ thị trường có khả năng tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Chẳng hạn như sự tăng giá của nguyên vật liệt, đối thủ cạnh tranh, hay sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng,...

Dựa vào việc phân tích mô hình SWOT, doanh nghiệp có thể nhận thức rõ ràng về tình hình hiện tại của doanh nghiệp và thị trường xung quanh. Từ đó, phát triển các kế hoạch kinh doanh để tận dụng tối đa lợi thế và đưa ra quyết định làm việc phù hợp nhằm hạn chế rủi ro từ những yếu điểm.

Xem thêm: Top 10 Thuật Ngữ Marketing Cần Thiết Cho Marketer 2024

Mẹo phân tích và cách lập chiến lược SWOT hiệu quả

Để có thể thiết lập một mô hình SWOT hiệu quả cho doanh nghiệp, nhà quản trị có thể xem xét và tham khảo 7 bước sau:

Bước 1: Xác định mục đích của việc phân tích mô hình SWOT

Để có thể tận dụng tối đa hiệu quả của việc phân tích mô hình SWOT, doanh nghiệp cần xác định rõ mục đích của việc phân tích SWOT là để làm gì.

Ví dụ, doanh nghiệp có thể phân tích SWOT để tìm hiểu xem việc giới thiệu sản phẩm mới, hay cho ra mắt phiên bản cải tiến của sản phẩm cũ sẽ phù hợp hơn ở thời điểm hiện tại. Hoặc, doanh nghiệp cũng có thể phân tích SWOT để tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh và đánh giá những lợi thế hiện tại của công ty.

Bước 2: Tiến hành nghiên cứu thị trường

Hãy bắt đầu thu thập thông tin cần thiết từ các nguồn nội bộ và bên ngoài. Những thông tin này có thể bao gồm dữ liệu tài chính, các bản báo cáo thị trường, phản hồi của khách hàng về sản phẩm/ dịch vụ, hay thông tin về đối thủ cạnh tranh. Để có được một cái nhìn toàn diện nhất, hãy đảm bảo bạn có thu thập ý kiến từ nhiều bên khác nhau như nhân viên, quản lý, và các đối tác kinh doanh.

Tham khảo dữ liệu từ nhiều nguồn có liên quan để nghiên cứu thị trường trước khi phân tích SWOT.

Bước 3: Nhận biết các điểm mạnh của doanh nghiệp (Strengths)

Để có thể nhận biết được các điểm mạnh của bản thân, doanh nghiệp có thể đặt ra và trả lời một số câu hỏi như:

  • Khách hàng mục tiêu của công ty là ai?

  • Tại sao khách hàng lại yêu thích sản phẩm của công ty?

  • Điều gì đang tạo nên sự khác biệt giữa công ty với các đối thủ cạnh tranh?

  • Điểm thu hút nhất của thương hiệu hiện đang là gì?

  • Lợi thế kinh doanh đặc biệt của công ty là gì?

  • Doanh nghiệp đang sở hữu tài nguyên nào? Đối thủ cạnh tranh có đang sở hữu những tài nguyên đó không?

Việc trả lời các câu hỏi trên sẽ đem lại một cái nhìn tổng thể, giúp doanh nghiệp xác định các điểm mạnh của mình. Chẳng hạn như môi trường làm việc tốt, sản phẩm chất lượng, ý tưởng bán hàng độc đáo, danh tiếng thương hiệu lớn,.... Hãy nhớ rằng, bên cạnh việc tự đánh giá thì doanh nghiệp cũng nên tham khảo ý kiến của khách hàng và đối tác để hiểu rõ hơn về những lợi thế của mình.

Nhận biết các điểm mạnh và lợi thế đặc biệt của doanh nghiệp.

Bước 4: Nhận biết các điểm yếu của doanh nghiệp (Weaknesses)

Bên cạnh điểm mạnh, doanh nghiệp cũng cần đưa ra đánh giá khách quan và nhận biết các điểm yếu của mình thông qua việc trả lời một số câu trả lời như:

  • Sản phẩm/ dịch vụ nào của doanh nghiệp đang bị đánh giá thấp nhất bởi người dùng? 

  • Khách hàng đang cảm thấy không hài lòng về vấn đề gì về doanh nghiệp?

  • Những khiếu nại khách hàng gửi tới thường đề cập đến vấn đề gì?

  • Nguyên nhân nào khiến khách hàng hủy đơn hàng và từ chối giao dịch?

  • Tại sao độ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp rất thấp trên thị trường?

  • Các kênh bán hàng đang gặp trở ngại và thách thức gì?

  • Các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đang chiếm ưu thế hơn trong lĩnh vực nào?

Việc nhìn nhận điểm yếu một cách khách quan sẽ giúp nhà quản trị tìm được những hướng đi đúng đắn và chiến lược phù hợp để phát triển thương hiệu

Đưa ra góc nhìn khách quan về những điểm yếu của doanh nghiệp để tìm cách khắc phục.

Bước 5: Liệt kê những cơ hội (Opportunities)

Sau khi nắm được điểm mạnh và điểm yếu thì doanh nghiệp cần liệt kê những cơ hội mà mình có thể tận dụng được. Những cơ hội này phần lớn sẽ thuộc yếu tố bên ngoài và doanh nghiệp khó có thể kiểm soát chúng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp việc tìm kiếm cơ hội trở nên dễ dàng hơn.

Một số cơ hội mà doanh nghiệp có thể kể đến như công nghệ mới, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cơ hội hợp tác với đối tác lớn,... Chi tiết hơn, bạn có thể trả lời một số câu hỏi dưới đây để liệt kê được những cơ hội có thể tận dụng:

  • Quy trình bán hàng và hỗ trợ khách hàng hiện nay có thể cải thiện thêm không?

  • Giá sản phẩm hiện đã phù hợp chưa? Khách hàng có đang cảm thấy giá sản phẩm quá cao so với những gì họ nhận được không?

  • Các số liệu về nhu cầu thị trường trong quý gần đây tăng hay giảm?

  • Doanh nghiệp đang có cơ hội hợp tác với những đối tác nào, thuộc lĩnh vực gì?

  • Những kênh quảng cáo, kênh thương mại điện tử tiềm năng nào chưa được doanh nghiệp khai thác?

Hãy tham khảo và liệt kê các cơ hội tiềm năng mà doanh nghiệp có thể tận dụng.

Bước 6: Nhận biết rủi ro (Threats)

Cũng giống như cơ hội, rủi ro thuộc về những yếu tố bên ngoài, thứ mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được. Theo đó, ta có thể kể tên một số rủi ro mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt như: rủi ro tài chính, các chính sách mới về lãi suất vay ngân hàng, tỷ lệ thất nghiệp tăng, tỷ lệ lạm phát, tình hình xuất nhập khẩu,... Để biết doanh nghiệp có phải đối mặt với những rủi ro này hay không, bạn có thể trả lời một số câu hỏi như:

  • Các dòng tiền của doanh nghiệp có đang hoạt động tốt không?

  • Chính sách kinh tế mới ảnh hưởng như thế nào đến lãi suất vay ngân hàng?

  • Đối thủ cạnh tranh đang có những lợi thế gì so với doanh nghiệp? Có nhiều đối thủ mới gia nhập thị trường không?

  • Nhu cầu tiêu dùng của người dùng có ổn định không?

  • Trong tương lai gần, liệu có sự kiện đặc biệt nào ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng của thị trường hay không?

Ngoài ra khi phân tích rủi ro và thách thức, doanh nghiệp cũng có thể áp dụng mô hình phân tích PEST để có thể hiểu rõ hơn về sự tác động của các yếu tố thị trường đến doanh nghiệp. Trong đó, PEST có bao gồm:

  • Chính trị – Luật pháp (Political): Các vấn đề chính trị toàn cầu, bộ luật mới, hay các quy định có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Kinh tế (Economics): Các thông tin về thuế, lãi suất, tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp có thể giúp doanh nghiệp đưa ra nhiều dự đoán về những rủi ro trong tương lai.

  • Xã hội (Socio-cultural): Những thay đổi trong lối sống và xu hướng mua sắm, hay sự phát triển của phương tiện truyền thông đều có thể gây ra rủi ro cho hoạt động kinh doanh.

  • Công nghệ (Technological): Một số công nghệ mới trong việc sản xuất, bán hàng có thể đem đến lợi thế cho doanh nghiệp. Nhưng chúng cũng sẽ trở thành rủi ro nếu doanh nghiệp không cập nhật kịp thời.

Đối với mô hình phân tích PEST, doanh nghiệp có thể phân tích sâu hơn về sự ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đối với doanh nghiệp. Từ đó, nhận biết được những rủi ro, thách thức, cũng như cơ hội có thể nắm bắt.

Sử dụng mô hình PEST để nhận biết rủi ro có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Bước 7: Phân tích và xây dựng mô hình SWOT hiệu quả

Sau khi đã xác định và phân tích đủ 4 yếu tố trong mô hình SWOT, nhà quản trị sẽ bắt đầu xây dựng các chiến lược hoạt động phù hợp với doanh nghiệp của mình. Trong đó, ta có một số chiến lược cơ bản mà bạn có thể tham khảo bao gồm:

  • Chiến lược S-O: Phát triển thế mạnh.

  • Chiến lược W-O: Xác định điểm yếu và ngăn chặn rủi ro.

  • Chiến lược S-T: Nắm bắt và tận dụng cơ hội.

  • Chiến lược W-T: Loại bỏ các mối đe dọa.

Ở phần dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về các chiến lược SWOT này nên bạn đọc đừng vội bỏ qua nhé.

Đừng bỏ qua bài viết: Mẹo Tự Học Marketing Online Miễn Phí Tại Nhà

Cách xây dựng mô hình SWOT phù hợp với chiến lược marketing

Sau khi đã hiểu rõ các yếu tố SWOT của doanh nghiệp, bạn cần xây dựng các chiến lược hoạt động phù hợp dựa vào các phân tích SWOT đã có phía trên. Cụ thể, ta có một số chiến lược SWOT như sau:

Chiến lược S-O (Strength – Opportunity)

Chiến lược S – O (Strength – Opportunity) sẽ tận dụng các điểm mạnh vốn có của doanh nghiệp để khai thác các cơ hội và phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây là chiến lược được ưu tiên hàng đầu, bởi nếu biết cách vận dụng điểm mạnh thì cơ hội thành công rất cao mà không phải tốn nhiều công sức.

Ví dụ, ta có một công ty sản xuất cà phê đang có điểm mạnh và cơ hội như sau:

  • Điểm mạnh (Strengths): Thương hiệu cà phê nổi tiếng, được nhiều người yêu thích; Chất lượng cà phê ổn định, hương vị đặc trưng; Hệ thống phân phối rộng lớn.

  • Cơ hội (Opportunities): Xu hướng tiêu dùng cà phê đặc sản ngày càng tăng; Thị trường cà phê Việt Nam chưa được khai thác hết tiềm năng; Sự phát triển của các quán cà phê hiện đại, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng.

Từ những điểm mạnh và cơ hội trên, ta có thể tham khảo một số chiến lược S-O như sau:

  • Mở rộng dòng sản phẩm: Tạo ra các loại cà phê đặc sản, cà phê pha máy để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

  • Phát triển chuỗi cửa hàng cà phê: Mở rộng hệ thống cửa hàng tại các thành phố lớn, các khu vực du lịch để tăng độ phủ sóng thương hiệu.

  • Hợp tác với các chuỗi cửa hàng tiện lợi: Phân phối sản phẩm đến nhiều khách hàng hơn.

Tổ chức các sự kiện quảng bá: Tổ chức các buổi workshop, buổi thử nếm cà phê để giới thiệu sản phẩm mới và tăng cường tương tác với khách hàng

Chiến lược W-O (Weakness – Opportunity)

Chiến lược W-O (Weakness – Opportunity) sẽ tập trung vào các điểm yếu để khai thác và tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần tiêu hao một nguồn lực lớn hơn để vừa khắc phục điểm yếu và tận dụng cơ hội. Đôi khi, việc khắc phục điểm yếu quá tiêu tốn nguồn lực cũng khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội phát triển. Vì vậy, nhà quản trị cần nghiên cứu kỹ trước khi triển khai các chiến lược này.

Ví dụ về một công ty sản xuất giày dép thủ công:

  • Điểm yếu (Weaknesses): Quy mô sản xuất nhỏ, khó cạnh tranh về giá với các công ty lớn, kênh phân phối hạn chế, chủ yếu dựa vào các cửa hàng nhỏ lẻ.

  • Cơ hội (Opportunities): Xu hướng tiêu dùng sản phẩm thủ công, chất lượng cao ngày càng tăng; sự phát triển của thương mại điện tử.

Dựa trên những phân tích trên, ta có thể tham khảo một số chiến lược W-O sau:

  • Tận dụng thương mại điện tử: Xây dựng một website bán hàng trực tuyến để tiếp cận khách hàng rộng rãi hơn, giảm chi phí thuê cửa hàng.

  • Tạo ra các sản phẩm độc đáo: Tập trung vào thiết kế các mẫu giày dép độc đáo, thủ công, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cao cấp, sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm chất lượng.

  • Hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng: Tạo ra các bộ sưu tập giới hạn, tăng độ nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng mới.

Tham gia các hội chợ triển lãm: Giới thiệu sản phẩm đến với nhiều đối tượng khách hàng hơn, tìm kiếm các đối tác phân phối mới.

Chiến lược S-T (Strength – Threat)

Chiến lược S-T (Strength – Threat) là chiến lược tập trung sử dụng điểm mạnh để phòng tránh và hạn chế rủi ro từ những thách thức. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đảm bảo rằng mọi hoạt động diễn ra ổn định kể cả khi các yếu tố thị trường có chuyển biến xấu. 

Ví dụ, ta có một công ty sản xuất ô tô với điểm mạnh và những thách thức như sau:

  • Điểm mạnh (Strengths): Thương hiệu mạnh, hệ thống phân phối rộng lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến.

  • Thách thức (Threats): Cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe nước ngoài, quy định về khí thải ngày càng nghiêm ngặt, sự trỗi dậy của xe điện.

Dựa trên những phân tích về điểm mạnh và thách thức của doanh nghiệp, ta có thể tham khảo một số chiến lược S-T như:

  • Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển: Phát triển các dòng xe điện, xe hybrid để đáp ứng các quy định về môi trường và cạnh tranh với các đối thủ.

  • Mở rộng thị trường quốc tế: Tận dụng thương hiệu mạnh để thâm nhập vào các thị trường mới, giảm sự phụ thuộc vào thị trường nội địa.

  • Tăng cường dịch vụ hậu mãi: Cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng để tăng lòng trung thành của khách hàng, giảm thiểu tác động của cạnh tranh.

Chiến lược W-T (Weakness – Threat)

Chiến lược W-T (Weakness – Threat) tập trung vào việc khắc phục các điểm yếu để hạn chế rủi ro từ chúng. Thông thường, doanh nghiệp lựa chọn chiến lược này thường tồn tại khá nhiều điểm yếu và chính những điểm yếu đó lại gây ra rủi ro cho họ. Vì vậy, việc tập trung xử lý các vấn đề còn tồn đọng sẽ được ưu tiên.

Ví dụ về một nhà hàng nhỏ đang phải đối mặt với những điểm yếu và thách thức như sau:

  • Điểm yếu (Weaknesses): Vị trí không thuận lợi, menu chưa đa dạng, nhân viên chưa được đào tạo bài bản.

  • Thách thức (Threats): Cạnh tranh gay gắt từ các nhà hàng lớn, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao và sự thay đổi khẩu vị của khách hàng.

Dựa vào những phân tích về điểm yếu và thách thức trên, nhà hàng có thể xem xét triển khai một số chiến lược W-T như sau:

  • Tìm kiếm các kênh quảng bá trực tuyến: Sử dụng các ứng dụng đặt đồ ăn, mạng xã hội để tiếp cận khách hàng.

  • Cải thiện chất lượng dịch vụ: Đào tạo nhân viên, nâng cao chất lượng phục vụ để tạo sự hài lòng cho khách hàng.

  • Tổ chức các chương trình khuyến mãi: Giảm giá, tặng quà để thu hút khách hàng.

  • Hợp tác với các dịch vụ giao hàng: Mở rộng phạm vi phục vụ, đáp ứng nhu cầu đặt hàng online của khách hàng.

Lợi ích và hạn chế của mô hình SWOT

Mô hình SWOT là một công cụ phân tích hữu ích, giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá toàn diện tình hình hiện tại, từ đó đưa ra những quyết định chiến lược phù hợp. Tuy nhiên, như mọi mô hình phân tích khác, SWOT cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định.

Lợi ích

  • Cung cấp cái nhìn tổng quan: SWOT giúp ta có một cái nhìn bao quát về tình hình hiện tại của tổ chức, bao gồm cả yếu tố nội tại (điểm mạnh, điểm yếu) và yếu tố ngoại tại (cơ hội, thách thức).

  • Hỗ trợ ra quyết định: Dựa trên kết quả phân tích SWOT, chúng ta có thể đưa ra những quyết định kinh doanh sáng suốt, phù hợp với tình hình thực tế.

  • Xây dựng chiến lược hiệu quả: SWOT giúp xác định các chiến lược phát triển phù hợp, tận dụng tối đa điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nắm bắt cơ hội và giảm thiểu rủi ro.

  • Đơn giản, dễ hiểu: SWOT là một công cụ dễ sử dụng, không đòi hỏi quá nhiều kiến thức chuyên môn.

  • Linh hoạt: SWOT có thể được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh doanh đến cá nhân.

Hạn chế 

  • Tính chủ quan: Kết quả phân tích SWOT phụ thuộc rất lớn vào sự đánh giá chủ quan của người thực hiện.

  • Thiếu tính định lượng: SWOT chủ yếu dựa trên những đánh giá chất lượng, khó đưa ra những số liệu cụ thể để so sánh.

  • Không xác định được tầm quan trọng tương đối của các yếu tố: Khó xác định yếu tố nào quan trọng hơn và đâu là yếu tố cần ưu tiên giải quyết trước.

  • Có thể bỏ sót một số yếu tố quan trọng: Việc xác định đầy đủ các yếu tố SWOT đòi hỏi sự tìm hiểu kỹ lưỡng, nếu không dễ bỏ sót những thông tin quan trọng.

  • Tính tĩnh: SWOT chỉ là một bức tranh tĩnh tại ở một thời điểm nhất định và không thể phản ánh được sự thay đổi liên tục của môi trường kinh doanh.

Trên đây Stradex đã tổng hợp lại một số thông tin để giới thiệu mô hình SWOT là gì và chỉ ra các mẹo phân tích mô hình SWOT. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho hoạt động kinh doanh của bạn, từ đó sớm thu về nhiều hiệu ứng thuận lợi cho doanh nghiệp.

stradex

Hãy nói chuyện với chúng tôi

Tìm hiểu cách Stradex có thể hỗ trợ sự phát triển thương hiệu của bạn.

Bằng cách gửi biểu mẫu này, bạn đồng ý nhận email không thường xuyên từ Stradex, theo Chính sách quyền riêng tư của chúng tôi.

Gửi tin nhắn