31 tháng 1, 2024
Sức mạnh ngôn từ: Làm sao để SEO podcast của bạn trở nên hiệu quả?
Xây dựng chiến lược SEO podcast mạnh mẽ, nâng cao tần suất hiển thị và đưa podcast của bạn lên top đầu các trang tìm kiếm là chìa khóa tiếp cận khách hàng.
Bạn muốn podcast của mình thành công? Tất cả những gì bạn cần là một chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) mạnh mẽ. Điều này đặt ra câu hỏi tiếp theo, đó là làm thế nào để tối ưu hóa SEO cho podcast? Để có được đáp án, đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu và nắm rõ: quy trình tìm kiếm hoạt động như thế nào?
Trong không gian kỹ thuật số, một podcast thường được “miêu tả” bởi các siêu dữ liệu giúp cung cấp thông tin về chương trình, bao gồm: tập phim, tiêu đề và mô tả. Do đó, đây chính là những yếu tố mà bạn cần tối ưu hóa để tạo ra một podcast tiếp cận được nhiều người nghe hơn. Tất nhiên, ngoài chiếc “chìa khóa” này, chúng ta cũng cần một vài khía cạnh sáng tạo khác nữa để các công cụ tìm kiếm, nền tảng podcast, cũng như người nghe lập tức tìm thấy bạn.
Chỉ cần một chút kiên trì, bạn hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia SEO podcast với 8 “bí kíp” đơn giản để tăng lượng người nghe, xây dựng thương hiệu cá nhân và dễ dàng được tìm thấy trên Spotify ngay lập tức.
Những điều cơ bản: Tiêu đề và Mô tả
Trong thế giới podcast, siêu mô tả là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Đây là văn bản đi kèm với nội dung âm thanh của bạn và là “linh hồn” trong SEO, bởi nó sẽ định hình cách các công cụ tìm kiếm phát hiện, phân loại, cũng như hiển thị podcast của bạn trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm đó (SERP).
Hầu hết các công cụ tìm kiếm đều có khu vực podcast cụ thể trên SERP. Mục tiêu của chúng ta là làm thế nào để podcast của mình xuất hiện ở trang đầu tiên của SERP - nơi người nghe có xu hướng ấn vào podcast nhiều hơn. Để làm được điều đó, chúng ta cần tạo ra một siêu mô tả hấp dẫn và đầy đủ thông tin.
1. Đặt tiêu đề chương trình độc đáo, dễ nhớ
Một người bình thường hẳn sẽ không bao giờ nghĩ tới chuyện đặt cho con mình cái tên X Æ A-12 (trừ khi họ là một vị tỷ phú nào đó có niềm đam mê với tên lửa), bởi vì tên gọi rất quan trọng trong thế giới thực. Tương tự như vậy, tiêu đề chính là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp người nghe tìm thấy podcast của bạn. Theo các chuyên gia trong ngành, một tiêu đề hiệu quả cần phải đảm bảo được cả 2 tiêu chí: vừa đủ độc đáo để các công cụ tìm kiếm phát hiện, lại phải vừa đủ ghi nhớ đối với người nghe.
Khi suy nghĩ về tên podcast, bạn hãy bỏ qua các yếu tố sau đây:
- Những cái tên chung chung hoặc gây xung đột
- Cách viết độc đáo, có chứa ký tự đặc biệt
- Tiêu đề quá dài
- Những từ ngữ chung chung
Ví dụ, bạn muốn tạo ra một podcast tập trung vào các món ăn, cũng như công thức nấu ăn, và gọi nó là “Podcast Chương trình Nấu ăn với Steve và @licia.” Đây là một tiêu đề không hiệu quả vì nó quá dài, có các từ phổ biến và chung chung, thậm chí còn có cả ký tự đặc biệt. Thay vào đó, hãy bám lấy những nguyên tắc này:
- Ngắn gọn (khoảng 3-4 từ)
- Tránh viết tắt, chấm câu, viết sai chính tả, những thứ gây nhầm lẫn cho thuật toán
- Có chứa từ khóa thể hiện nội dung của bạn
- Sáng tạo
“Nghệ thuật Du lịch” (The Art of Travel) của Olivia Lopez là một ví dụ tuyệt vời, cho thấy tiêu đề podcast vừa hiệu quả với công cụ tìm kiếm, vừa hấp dẫn với người nghe. Đối với công cụ tìm kiếm, tiêu đề bao gồm từ khóa chính “du lịch”, một từ khóa phổ biến được nhiều người dùng tìm kiếm. Tiêu đề cũng ngắn gọn, dễ nhớ và phù hợp với các nguyên tắc SEO.
Trong khi đó, đối với người nghe, từ khóa “nghệ thuật” gợi lên sự tò mò và hấp dẫn. Điều này gợi ý rằng podcast sẽ khám phá khía cạnh tinh thần và ý nghĩa của du lịch, chứ không chỉ đơn giản là các thông tin thực tế như điểm đến và lịch trình. Quả thật, nội dung các podcast trong chương trình có chủ đề khá rộng, bao gồm cả sự phát triển cá nhân và tính bền vững. Đáng chú ý, Lopez không đóng khung bản thân trong khái niệm “du lịch” điển hình bằng cách gọi chương trình là “Điểm đến Du lịch” hay những từ tương tự như vậy.
2. Viết mô tả chương trình hấp dẫn
Cùng với tiêu đề, mô tả chương trình podcast là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thu hút người nghe. Đây là cơ hội để bạn giới thiệu podcast của mình và khiến mọi người muốn tìm hiểu thêm. Nhưng trước khi podcast tiếp cận được tới người nghe, ai sẽ là người đọc mô tả chương trình? Đó là các công cụ tìm kiếm và nền tảng podcast. Chúng sẽ sử dụng mô tả của bạn để hiểu nội dung của podcast và quyết định hiển thị nó ở đâu trong SERP. Đó là lý do vì sao mô tả của bạn phải được tối ưu hóa hoàn hảo để mang tới thông tin chính xác.
Ba yếu tố bạn cần có trong bản mô tả chương trình của của mình bao gồm:
- Tên người dẫn podcast
- Chủ đề được đề cập trong chương trình
- Bất kỳ tên viết tắt nào cho tên nguyên bản của chương trình
Những yếu tố này vô cùng quan trọng, bởi người nghe mới thường tìm thấy podcast bằng cách tìm kiếm các chủ đề chương trình hay trên nền tảng podcast.
Bên cạnh đó, cần lưu ý một số yếu tố SEO khi viết mô tả như:
- Nội dung không quá 100 ký tự
- Có phần giới thiệu bản thân
- Nội dung mô tả có chứa từ khóa
- Lồng thêm một số từ khóa phụ liên quan
- Nội dung có chứa liên kết mạng xã hội của bạn
Hãy cùng tham khảo bản mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin của “Phía sau Screenplay” (Beyond the Screenplay) sau đây: “Michael Tucker và đội ngũ LFTS của Screenplay chia sẻ những bài học quý giá về cách dẫn dắt câu chuyện của từng bộ phim, đồng thời trò chuyện với những người sáng tạo đứng sau các phân cảnh phim đó.”
Trong bản mô tả này, chúng ta có tên của người dẫn chương trình, tên podcast, và các từ khóa như dẫn dắt câu chuyện (storytelling), phim (movies, films) để giúp các công cụ tìm kiếm phát hiện, lập chỉ mục và chuyển podcast tới đối tượng người nghe phù hợp.
3. Sử dụng tiêu đề tập podcast “đúng trọng tâm”
Một trong những vấn đề khó nhằn nhất khi tạo siêu dữ liệu là lập tiêu đề cho từng tập podcast (episode title). Tiêu đề không được phép quá dài, nhưng lại cần thu hút sự chú ý của khán giả, vừa phải, phù hợp với mô tả của tập podcast, đồng thời vẫn phải có đủ thông tin cho các công cụ tìm kiếm (một tiêu chuẩn khó khăn).
Tiêu đề tập podcast cần tuân thủ các nguyên tắc giống với tiêu đề chương trình, đồng thời bổ sung một số yếu tố như từ khóa chính xác với chủ đề, tên khách mời, và mục đích tìm kiếm.
Hãy cùng nghiên cứu “Liệu pháp Vị thành niên” (Teenager Therapy), một podcast dành cho thanh thiếu niên, cung cấp các thông tin và lời khuyên về các vấn đề của tuổi mới lớn. Podcast này đã thành công trong việc xây dựng các tiêu đề cho từng tập podcast, đáp ứng đủ những tiêu chí đơn giản, thân thiện với SEO, đồng thời cân nhắc đến ý định tìm kiếm của người nghe mục tiêu.
Ví dụ, một tập podcast của họ có tiêu đề là “Làm sao để Tổ chức Tiệc Tại Gia” (How to Throw a House Party). Tiêu đề này ngắn gọn, dễ hiểu và bao gồm các từ khóa liên quan đến chủ đề như “tiệc tại gia”, “thanh thiếu niên” và chắc chắn là thành công hơn nhiều nếu so với cái tên “Quy tắc và Lễ nghi Xã hội cho một Buổi giao lưu Nhỏ, Thân mật” (The Rules and Social Etiquette of Small, Intimate Gatherings). Cái tên dài dòng này hiển nhiên sẽ khó thu hút được sự chú ý của người nghe mục tiêu. Những người làm podcast hiểu rằng thanh thiếu niên sẽ tìm kiếm từ khóa tiệc tại gia (house party), nên họ sử dụng từ khóa đó làm trọng tâm để thu hút sự chú ý của đối tượng khán giả này.
4. Soạn thảo mô tả tập podcast “dễ tìm kiếm”
Mô tả tập podcast, hay chú thích nội dung, là yếu tố đầu tiên mà người nghe nhìn thấy sau tiêu đề tập podcast, và nó có thể quyết định xem họ có muốn nghe nội dung của bạn hay không. Nhưng bên cạnh việc thu hút sự chú ý của người nghe thì mô tả tập podcast còn có một vai trò quan trọng không kém trong SEO. Bởi một mô tả tốt sẽ giúp các công cụ tìm kiếm dễ dàng phát hiện ra bạn hơn.
Để viết mô tả tập podcast đáp ứng các tiêu chí SEO, hãy lưu ý tới một số vấn đề:
- Giới hạn trong vòng 3-4 câu
- Đếm 120 ký tự đầu tiên
- Bao gồm các từ khóa quan trọng và tên khách mời
- Tạo kết nối với tiêu đề tập phim
- Tránh các từ khóa lấp chỗ trống và tiết lộ nội dung phim
Poppy Newdick, giám đốc sản phẩm cao cấp tại Spotify, khuyến khích viết mô tả tập trung vào chủ đề mà bạn đang nói đến. “Chủ đề là sở thích của mọi người, và khi mọi người thích điều gì đó, họ sẽ đi tìm kiếm nó. Nghĩ về việc viết mô tả sau khi bạn đã thu âm xong podcast của mình, bạn sẽ không bao giờ biết được nội dung cuộc trò chuyện có thể đi tới đâu.”
“HE/HER/THEY with KITTENS” là một ví dụ tuyệt vời nếu bạn muốn nghiên cứu cách viết mô tả cho từng tập podcast một cách hấp dẫn và dễ tìm kiếm. Hãy cùng đọc mô tả tập “Mèo con & Kehlani” (KITTENS & KEHLANI): “Bên những chú mèo con, Kehlani chân thành chia sẻ về hành trình xác định giới tính bản thân, cách cô chấp nhận mình là một đồng tính nữ, cũng như cách cô tìm thấy bình yên với con người thật bên trong và với tư cách là một nghệ sĩ trong mắt công chúng”. Đoạn giới thiệu chỉ vỏn vẹn một câu nhưng đủ thông tin, có tên khách mời và chủ đề cụ thể. Tất cả đã biến nó thành một bản mô tả hoàn hảo.
Ngay cả khi chúng ta biết rằng không nên “trông mặt mà bắt hình dong”, thì hầu hết mọi người vẫn có xu hướng dựa vào hình ảnh để đưa ra quyết định. Điều này khiến cho thiết kế trở thành một đặc điểm cốt lõi trong việc gia tăng lượng người nghe podcast.
Hơn nữa, hình ảnh liên quan tới podcast cũng có thể giúp bạn cải thiện thứ hạng SEO. Bởi khi người dùng tìm kiếm các podcast liên quan đến chủ đề của bạn, hình ảnh này có thể sẽ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.
5. Hãy suy nghĩ về nghệ thuật trình bày
Giám đốc sản phẩm John Lagomarsino của Spotify for Podcasters tin rằng, nghệ thuật trình bày rất quan trọng bởi nó là ấn tượng đầu tiên của người nghe về bạn, nội dung của bạn, và tính cách con người bạn.
Trong SEO, nghệ thuật trình bày cũng là giữ vai trò quan trọng không kém. Theo thuật toán của Google, bạn không thể tạo ra một nguồn cấp đồng bộ hóa đơn giản (RSS) mà không có hình ảnh podcast. Thiết kế ảnh bìa của bạn nên tuân theo những tiêu chuẩn chung sau đây:
- Kích thước 3.000 x 3.000 pixel
- Khung ảnh vuông
- Đồ họa hay hình minh họa sắc nét, chất lượng cao
- Làm nổi bật tên và biểu tượng podcast của bạn
Sau khi xác định được các thông số kỹ thuật cần thiết, giờ là lúc bạn nên để cho tính sáng tạo của mình tự do bay bổng. Hãy nghĩ đến một thiết kế đơn giản nhưng hấp dẫn. Đừng nhồi nhét các chi tiết nhỏ hay dùng quá nhiều chữ, bởi chúng rất khó đọc trên các màn hình cỡ nhỏ, ví dụ như điện thoại thông minh.
Ảnh bìa của “Flow State” là một ví dụ điển hình cho thiết kế podcast có trọng điểm, đơn giản và mang cảm hứng cổ điển. Hình ảnh sử dụng các màu sắc đối lập, tiêu đề đặt chính giữa phía trước, cùng với tên người dẫn chương trình.
Nếu cảm thấy bế tắc, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của nhân viên sáng tạo ảnh bìa tại Spotify for Podcasters. Họ sẽ giúp bạn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo cho podcast của mình.
6. Cá nhân hóa trang podcast
Trang hiển thị là thứ đầu tiên người nghe nhìn thấy khi tìm được podcast của bạn, và nếu quan tâm tới việc tạo ra chiến lược SEO podcast mạnh mẽ thì đây cũng là một yếu tố bạn không nên bỏ qua. Đây là nơi chứa đựng một vài yếu tố SEO quan trọng, và thường thì các công cụ tìm kiếm sẽ sử dụng thông tin này để hiểu nội dung podcast của bạn, cũng như xếp hạng podcast đó trong SERP.
Để tạo một trang hiển thị podcast hiệu quả trên Spotify, hãy bắt đầu bằng cách tùy chỉnh trang hồ sơ của bạn trên Spotify for Podcasters. Trang này nên bao gồm một số yếu tố quan trọng:
- Thẻ danh mục liên quan đến nội dung podcast
- Liên kết mạng truyền thông xã hội
- Địa chỉ trang mạng
- Tên của bạn và tiêu đề podcast
Các công cụ tìm kiếm sẽ “soi” nguồn RSS để tìm kiếm những từ khóa phù hợp và phân loại podcast của bạn. Điều này giúp podcast của bạn nổi bật hơn trong trang kết quả tìm kiếm, giúp cho người dùng dễ dàng tìm thấy podcast.
Trang hiển thị của Trippin, một podcast du lịch có nhiều khách mời khác nhau, là ví dụ điển hình về cách tạo trang hiển thị podcast hiệu quả cho SEO. Trang được thiết kế khá tốt với đủ các thông tin cần thiết và có chứa những liên kết mạng xã hội. Ảnh bìa đơn giản nhưng hấp dẫn, tên podcast dễ nhớ, mô tả ngắn gọn nhưng súc tích, và thẻ từ khóa (du lịch) rõ ràng.
7. Triển khai trang mạng podcast
Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của trang mạng podcast chuyên nghiệp bởi đây là một tài sản quan trọng cho bất kỳ nhà sáng tạo podcast nào.
Bên cạnh vai trò là một trung tâm, nơi bạn có thể kết nối với người nghe mới, chia sẻ đoạn giới thiệu, vận hành cửa hàng…, trang mạng podcast chuyên nghiệp còn là một kênh khác giúp các công cụ tìm kiếm nhận ra bạn. Thay vì chỉ lập chỉ mục từ nguồn RSS của bạn, trình thu thập dữ liệu web (các bot thu thập thông tin trên nhiều trang web) cũng có thể truy cập vào trang mạng podcast, giúp podcast của bạn dễ dàng được tìm thấy hơn trên những công cụ tìm kiếm.
Ngoài ra, một trang mạng podcast cũng mang lại nhiều lợi ích khác. Bạn có thể sử dụng nó để gia tăng cơ hội tiếp cận người nghe thông qua tiếp thị qua email và đăng ký bản tin. Bạn cũng có thể sử dụng nó để chia sẻ nội dung bổ sung, chẳng hạn như video, hình ảnh hoặc bài viết.
Có nhiều cách để tạo trang mạng podcast. Bạn có thể sử dụng một nền tảng xây dựng trang web như WordPress, hoặc bạn có thể thuê một nhà phát triển web chuyên nghiệp. Hiện tại, Spotify for Podcasters đã cung cấp tính năng tích hợp với WordPress, giúp bạn dễ dàng tích hợp podcast của mình với trang web cá nhân một cách nhanh chóng và thuận tiện, mà không yêu cần bạn phải có bất kỳ kỹ năng lập trình nào.
8. Khơi dậy sự trông đợi thông qua đoạn giới thiệu podcast
Đoạn giới thiệu podcast (podcast trailer) giống như một đoạn giới thiệu phim hay một đoạn nhạc hit: nó hé lộ đôi chút nội dung mà podcast của bạn sẽ mang tới cho người nghe. Nhưng tầm quan trọng của đoạn giới thiệu podcast không chỉ dừng lại ở đây. Nó cũng là một phần trong nguồn cấp RSS, giúp bạn được tìm thấy dễ dàng hơn.
Đoạn giới thiệu podcast thường được phát trên các nền tảng nghe podcast phổ biến, chẳng hạn như Spotify. Trên hồ sơ Spotify for Podcasters cũng như trang Spotify của bạn, nó sẽ được ưu ái đặt tại một vị trí bắt mắt và thu hút, đó là ngay trước danh sách các tập podcast. Điều này khiến đoạn giới thiệu podcast trở thành một trong những mục được ấn phát đầu tiên khi người nghe tìm thấy podcast của bạn.
Những người nghe podcast mới có xu hướng ấn vào đoạn giới thiệu thay vì trực tiếp ấn nghe podcast. Điều này rất dễ hiểu. Một đoạn giới thiệu chỉ dài khoảng 30 giây, đủ để người nghe có thể cảm nhận được podcast của bạn có đủ hấp dẫn và lôi cuốn không, từ đó ra quyết định họ có muốn nghe thêm hay không. Tóm lại, đoạn giới thiệu podcast là một công cụ quan trọng để thu hút người nghe và quảng bá podcast của bạn. Bằng cách tạo một đoạn giới thiệu hấp dẫn và hiệu quả, bạn có thể giúp podcast của mình thành công hơn.
SEO podcast: Bí quyết để được khám phá trên Spotify
SEO podcast là một chiến lược hữu ích để tăng cường khả năng tiếp cận người nghe mới thông qua các các công cụ tìm kiếm và nền tảng podcast. Quan trọng là, SEO podcast không hề khó khăn như nhiều người vẫn tưởng. Tất cả những gì bạn cần là tìm được các từ khóa phù hợp, tuân thủ những nguyên tắc hướng dẫn, và đừng để trí sáng tạo của mình bị giới hạn trong bất kỳ khuôn khổ hạn hẹp nào. Nếu làm đúng, rất nhanh thôi, bạn sẽ thấy podcast của mình hiện diện ở những vị trí đầu tiên trên các bảng xếp hạng tìm kiếm!